Theo International Business Times, từ dữ liệu do kính viễn vọng Kepler thu thập, các nhà nghiên cứu ở Đại học San Francisco, Mỹ ngày 2/8 đã công bố danh sách 20 hành tinh đá giống Trái Đất trong số 216 hành tinh có thể có nước lỏng hỗ trợ sự sống trên bề mặt.
Hình minh họa hành tinh Kepler-186f. (Ảnh: Danielle Futselaar [URL="http://ongnhomviet.com/"]ống nhòm[/URL]).
"Đây là danh sách rút gọn những hành tinh nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống quanh ngôi sao mẹ", phó giáo sư vật lý thiên văn Stephen Kane, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Điều đó có nghĩa chúng ta có thể tập trung vào những hành tinh thuộc danh sách này và nghiên cứu sâu hơn để xem chúng có phù hợp với sự sống hay không".
Nghiên cứu cũng xác nhận các hành tinh do kính Kepler phát hiện phân bố ở cả trong và ngoài khu vực có thể tồn tại sự sống, cho thấy có một lượng lớn hành tinh hoặc mặt trăng trong vũ trụ nhiều khả năng chứa sự sống theo lý thuyết.
Các hành tinh được phân loại dựa theo vị trí, kích thước và thành phần cấu tạo. Vị trí của hành tinh so với ngôi sao mẹ là đặc điểm quan trọng nhất. Nếu nó ở quá xa, nước sẽ đóng băng giống như trên sao Hỏa. Tuy nhiên, nếu ở quá gần, hành tinh sẽ trải qua hiệu ứng "khí nhà kính thất thoát" giống sao Kim, nơi có đại dương bốc hơi toàn bộ.
Danh sách phân loại chia thành 4 hạng mục nhằm giúp các nhà thiên văn học tập trung nghiên cứu. Kane đang nghiên cứu 20 hành tinh có tiềm năng tồn tại sự sống nhất.
Dự án phân loại hoàn thành sau hơn ba năm với sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ California (Caltech), Đại học Bordeaux, Đại học Arizona, Đại học Cornell, Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian và NASA.