Công nghệ này có thể ví với việc một tên trộm tranh hoạt động ngay trước mắt mọi người và các camera mà không ai hay biết. Không ai nhìn thấy tên trộm đi thong thả trong bảo tàng, gỡ bức họa trên tường xuống rồi mang đi. Không ai nhìn thấy tên trộm, cũng như toàn bộ những việc hắn ta làm.
Điều mà các nhà khoa học ở ĐH Cornell (Mỹ) tạo ra có thể so sánh với sự việc trên, nhưng ở quy mô nhỏ hơn, về cả sự kiện và thời gian. Chiếc áo tàng hình thời gian của họ chỉ có thể che giấu sự kiện trong một thời gian cực nhanh, khoảng 40 phần tỉ của giây, nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature cho biết.
Chúng ta có thể nhìn thấy các sự việc nhờ ánh sáng chiếu vào sự vật rồi phản chiếc đến mắt. Thông thường thì đó là luồng ánh sáng liên tục. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở ĐH Cornell có thể ngắt quãng luồng sáng này trong khoảng thời gian rất nhỏ.
Công nghệ tàng hình mới không chỉ che giấu sự vật mà còn che giấu toàn bộ sự việc đang diễn ra
Vì thế, một sự việc có thể diễn ra ngay trước camera và các chùm laser an ninh, như tên trộm đột nhập để đánh cắp tranh, mà không bị phát hiện.
Có thể nghĩ về chiếc mặt nạ thời gian này giống như việc các nhà khoa học đã chỉnh sửa hoặc xóa bỏ hoàn toàn một sự kiện lịch sử nào đó xảy ra trong thời gian cực ngắn. Điều này giống như việc bạn đang xem một bộ phim trong đó có một cảnh diễn mà bạn không hề hay biết.
Cụ thể, các nhà khoa học đã tạo ra một thấu kính ánh sáng và thời gian. Phương pháp của họ là tách ánh sáng làm hai phần, một phần được tăng tốc còn phần kia bị làm chậm lại. Điều này tạo ra một khoảng trống để che giấu sự kiện diễn ra trong đó, Alexander Gaeta, đồng tác giả nghiên cứu và là giám đốc Trường vật lý thực nghiệm thuộc ĐH Cornell, giải thích.
Bằng cách sử dụng kính quang học, lỗ hổng thời gian được tạo ra khi ánh sáng di chuyển dọc theo các sợi mỏng hơn một sợi tóc. Các nhà khoa học bắn một chùm sáng ra ngoài, và với các chùm sáng khác, họ tạo ra một thấu kính thời gian có thể tách chùm sáng làm hai phần, một phần chuyển động rất nhanh, còn phần kia chuyển động rất chậm.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tạo ra chiếc mặt nạ che giấu được một sự kiện – khái niệm này từng được nói đến trên lý thuyết bởi GS. Martin McCall ở ĐH Hoàng gia London.
Theo các chuyên gia, công nghệ này có thể mang lại nhiều ứng dụng thực tế hữu ích. Ví dụ, một gói thông tin có thể được thêm vào dòng thông tin đang chảy với tốc độ cao mà không làm ngắt quãng luồng thông tin. Tuy nhiên, mọi người thường cho rằng công nghệ này sẽ tiếp tay nhiều hơn cho những hoạt động trái phép, như tạo điều kiện cho các virus hoạt động.
Theo Sfgate, Đất Việt